Paris là thành phố thủ đô của nước Pháp, cũng là một trong ba thành phố phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới cùng Luân Đôn và New Yorkvà cũng là một trung tâm hành chính của vùng Île-de-France. Nằm ở phía bắc nước Pháp, khu vực trung tâm của châu Âu, Paris được xây dựng hai bên bờ sông Seine với tâm là đảo Île de la Cité. Đây cũng là nơi hợp lưu của sông Seine và sông Marne.
Paris nằm ở điểm gặp nhau của các hành trình thương mại đường bộ và đường sông, và là trung tâm của một vùng nông nghiệp giàu có. Vào thế kỷ 10, Paris đã là một trong những thành phố chính của Pháp cùng các cung điện hoàng gia, các tu viện và nhà thờ. Từ thế kỷ 12, Paris trở thành một trong những trung tâm của châu Âu về giáo dục và nghệ thuật. Thế kỷ 14, Paris là thành phố quan trọng bậc nhất của Cơ Đốc giáo và trong các thế kỷ 16, 17, đây là nơi diễn ra Cách mạng Pháp cùng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Pháp và châu Âu. Đến thế kỷ 19 và 20, thành phố trở thành một trong những trung tâm văn hóa của thế giới, thủ đô của nghệ thuật và giải trí.
Năm 2005, nội ô Paris có dân số là 2.153.600 người, mật độ 20.408 người/km², thuộc hàng cao nhất trong các thủ đô châu Âu. Nếu tính toàn bộ vùng đô thị Paris, vào năm 1999, dân số Paris là 11.174.740 người, đứng thứ ba châu Âu sau Moskva, ngang với Luân Đôn và khoảng thứ 20 thế giới. Là thành phố thủ đô, Paris tập trung các hoạt động văn hóa, tài chính, thương mại... của toàn nước Pháp. Năm 2006, GDP của Paris cùng với toàn vùng Île-de-France đạt 500,839 tỷ euro, tương đương với nước Hà Lan.
Nổi tiếng với tên gọi Kinh đô ánh sáng, Paris là một trung tâm văn hóa lớn của thế giới và cũng là một trong những thành phố du lịch thu hút nhất. Sự nhộn nhịp, các công trình kiến trúc và không khí nghệ sĩ đã giúp Paris mỗi năm có đến 30 triệu khách nước ngoài. Thành phố còn được xem như kinh đô của thời trang cao cấp với nhiều khu phố xa xỉ cùng các trung tâm thương mại lớn. Là nơi đặt trụ sở chính của các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO... cộng với những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch đã khiến Paris trở thành một trong những trung tâm trung chuyển lớn nhất trên thế giới và được coi như một trong bốn "thành phố toàn cầu" cùng với New York, Luân Đôn và Tokyo.